Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền vẫn chuyển động tích cực để tìm cơ hội

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền vẫn chuyển động tích cực để tìm cơ hội

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 4/10 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 68,15 – 68,87 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 5,1 USD xuống 1.822,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm gần như chỉ dao động nhẹ quanh ngưỡng 1.820 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,81 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 4/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.065 đồng/USD, tăng 6 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.240 – 24.580 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 27.400 USD thì sang phiên hôm nay đã dần hồi phục và lên trên 27.600 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,00 USD (-1,12%), xuống 88,23 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,85 USD (-0,93%), xuống 90,07 USD/thùng.

VN-Index hồi phục hơn 10 điểm

Sau ít phút gặp khó và có thời điểm VN-Index đã bị đẩy xuống dưới đường MA200 trên đồ thị ngày. Tuy nhiên, ngưỡng hỗ trợ này đã phát huy tác dụng và giúp thị trường lấy lại được sự cân bằng và tiếp tục hồi phục dần và đã có thời điểm tăng mạnh lên trên 1.130 điểm.

Mặc dù vậy, lực cầu chững lại sau đó và sự thận trọng vẫn còn, khiến chỉ số này không thể vượt qua được vùng kháng cự gần 1.135-1.140 điểm, mà bị đẩy lùi nhẹ trở lại về dưới 1.130 điểm khi đóng cửa.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6,83 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 177,16 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 4/10: VN-Index tăng 10,57 điểm (+0,95%), lên 1.128,67 điểm; HNX-Index tăng 3,52 điểm (+1,55%), lên 230,2 điểm; UPCoM-Index tăng 0,79 điểm (+0,91%), lên 87,47 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Ba (3/10), khi dữ liệu kinh tế mới đã góp phần ủng hộ quan điểm Fed cần phải giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.

Dữ liệu cho thấy cơ hội việc làm của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng Tám, làm dấy lên lo ngại về thị trường lao động thắt chặt trước báo cáo việc làm hàng tháng quan trọng của Mỹ vào thứ Sáu.

Cơ hội việc làm, thước đo nhu cầu lao động, đã tăng 690.000 lên 9,61 triệu vào ngày cuối cùng của tháng 8. Đó là mức cao nhất trong hơn hai năm.

Các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn chuẩn 10, khi đạt mức cao nhất trong 16 năm vào thứ Ba ở mức 4,8%/năm.

Kết thúc phiên 3/10: Chỉ số Dow Jones giảm 430,97 điểm (-1,29%), xuống 33.002,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 58,94 điểm (-1,37%), xuống 4.229,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 248,31 điểm (-1,87%), xuống 13.059,47 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 16 tháng, chịu ảnh hưởng mạnh của phiên đêm qua Phố Wall khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao mới trong 16 năm.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,28% xuống 30.526,88 điểm. Chỉ số Topix giảm 2,49% xuống 2.218,89 điểm. Mức giảm vượt ngưỡng 2% thường khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phải mua các quỹ hoán đổi danh mục vào cuối ngày để hỗ trợ thị trường.

“Có quá nhiều điều không chắc chắn về triển vọng của Mỹ, và điều đó đang đè nặng lên chứng khoán Nhật Bản. Có một rủi ro trong ngắn hạn là Nikkei 225 giảm xuống dưới 30.000 điểm và điều đó có thể xảy ra”, chiến lược gia Kenji Abe của Daiwa Securities cho biết.

Trong số 33 nhóm ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, các nhà sản xuất thiết bị vận tải gặp khó khăn nhất, giảm 4,9%. Ngân hàng là một ngành giảm mạnh khác, mất 4,3%.

Chứng khoán Trung Quốc nghỉ tuần lễ vàng 10 ngày dịp Quốc khánh.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, ảnh hưởng mạnh do đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu toàn cầu, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu của tuần nghỉ lễ vàng của Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,78% xuống 17.195,84 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,12% xuống 5.882,68 điểm.

Giá trị giao dịch thị trường vẫn ở mức thấp khi chương trình Kết nối Chứng khoán Trung Quốc-Hồng Kông đóng cửa do kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng ở Trung Quốc đại lục.

Trong khi đó, mọi con mắt đang đổ dồn vào dữ liệu nhu cầu nghỉ lễ của Trung Quốc, dự kiến sẽ chứng kiến sự phục hồi. Tuy nhiên, những lo ngại tiếp diễn về lĩnh vực bất động sản có thể sẽ khiến sự lạc quan vơi đi.

“Những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ cho thấy sự phục hồi tiêu dùng dịch vụ vẫn mạnh mẽ”, các nhà kinh tế của HSBC cho biết trong một báo cáo, trích dẫn dữ liệu của chính phủ trong ba ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, cho thấy gần 400 triệu chuyến đi trong nước đã được thực hiện, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng doanh thu du lịch nội địa trong ba ngày đầu tiên đã tăng 125% so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 340 tỷ nhân dân tệ (46,57 tỷ USD).

Tuy nhiên, nhu cầu về bất động sản vẫn chậm chạp mặc dù chính sách đã nới lỏng trong vài tháng qua. Citigroup cho biết doanh số tháng 9 của 35 của công ty bất động sản niêm yết đang yếu hơn dự kiến.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh, khi các nhà đầu tư lo lắng về lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI chuẩn giảm 59,38 điểm, tương đương 2,41%, xuống 2.405,69 điểm, ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 21/3 và là mức giảm lớn nhất kể từ ngày 14/3.

Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao làm lu mờ dữ liệu lạc quan trong nước, với sản lượng công nghiệp tháng 8 tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn ba năm và cả xuất khẩu tháng 9 có mức giảm thấp nhất trong 12 tháng.

Kết thúc phiên 4/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 711,06 điểm (-2,28%), xuống 30.526,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 135,38 điểm (-0,78%), xuống 17.195,85 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 59,38 điểm (-2,41%), xuống 2.405,69 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

– Tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng tăng

Lãi suất bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 80 – 90% giá trị giao dịch) trong phiên 2/10 đã tăng lên 0,55% từ mức 0,19% ghi nhận vào phiên trước đó (ngày 29/9)..>> Chi tiết

– “Buông câu” mùa biển động

Sau chuỗi tăng kéo dài hơn 4 tháng, thị trường chứng khoán có pha điều chỉnh mạnh trong tháng 9, nhưng dòng tiền vẫn chuyển động tích cực để tìm cơ hội..>> Chi tiết

– Chuyên gia VinaCapital: Định giá VN-Index ở mức hấp dẫn trung bình 10 năm, chiết khấu định giá cao nhất trong khu vực

Định giá P/E forward VN-Index hiện chỉ khoảng 9 lần là rẻ nhất trong khu vực. Mức chiết khấu định giá của TTCK Việt Nam so với các thị trường trong khu vực cũng đang ở mức cao nhất trong 10 năm..>> Chi tiết

– Làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ đang gây ra mối lo ngại trên toàn cầu

Các thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới đang chuẩn bị trải qua một đợt biến động khác khi kỷ nguyên mới về lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn bắt đầu..>> Chi tiết

mạng Đầu Tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *