Thị trường chứng khoán: Cơ hội chọn “hàng xịn”

Thị trường chứng khoán: Cơ hội chọn “hàng xịn”

Rục rịch tìm cơ hội

Chạm đáy nỗi đau là cảm xúc của nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn điều chỉnh sâu của thị trường vừa qua. Nhưng, có lẽ đã quen dần với các biến động mạnh của thị trường từ năm 2022 tới nay, nhà đầu tư trở nên “can trường” và bám trụ hơn nhiều. Sau phiên sáng sủa cuối tuần trước, các nhà đầu tư đang rục rịch chuẩn bị cho việc nhặt hàng tốt cho giai đoạn cuối năm, bởi nhiều cổ phiếu đã được chiết khấu khá sâu.

Vẫn luôn là vậy, rất đa dạng gu đầu tư trên thị trường chứng khoán. Theo quan điểm của nhà đầu tư lâu năm Minh Nhật, không nên giải ngân vội, vì còn nhiều yếu tố tiềm ẩn chưa xác định, nếu có các nhịp hồi có thể “đảo hàng” thì được.

Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước đã hút khoảng 255.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu và nhiều đồn đoán cơ quan này sẽ hút tiền với kỳ hạn dài hơn, ở 3 tháng. Nếu đúng, dòng tiền sẽ yếu đi thì có thể thị trường còn xuống thêm đoạn nữa.

Theo góc nhìn của nhà đầu tư Q.Vinh, dứt khoát phải nhanh chóng loại khỏi danh mục “hàng lởm” (cổ phiếu có nền tảng cơ bản không tốt, nợ vay quá mức, lãnh đạo kinh doanh cổ phiếu…), để dành tiền chọn lọc các mã cổ phiếu xuất sắc sắp tới. Thị trường đang càng ngày càng khó kiếm tiền, nên chỉ “đánh” khi “chắc thắng”.

Còn những mã cổ phiếu tốt, trước tiên, doanh nghiệp phải minh bạch, các yếu tố theo sau như có lợi thế cạnh tranh về công nghệ sản xuất, vị trí tốt để tối ưu được chi phí vận chuyển, có lịch sử chia cổ tức tiền mặt tốt (cho thấy lãnh đạo hài hòa lợi ích với cổ đông, có dòng tiền thật)…

Trong khi đó, nhà đầu tư Ngọc Dung, theo trường phái ứng dụng cả cơ bản và phân tích kỹ thuật (dòng tiền) chia sẻ, PE forward hiện tại của thị trường ở khoảng 11,45 lần, thường vùng định giá này trong lịch sử là vùng hấp dẫn cho đầu tư dài hạn và có sự thu hút với dòng vốn ngoại cũng như tự doanh và các nhà đầu tư lớn, điều này thể hiện qua chuỗi mua ròng của khối ngoại và tự doanh trong các phiên gần đây.

Trước đó, nhà đầu tư Dung có phần rất thận trọng với cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, nhưng những thông tin cuối tuần qua cho thấy lo ngại căng thẳng leo thang giữa Hamas – Israel thành căng thẳng khu vực Trung Đông hoặc các khối kinh tế lớn đã được kiểm soát, giảm thiểu lo ngại giá dầu tăng mạnh, qua đó tác động bình ổn tâm lý hơn cho giới đầu tư. Từ đó, nhà đầu tư kỳ vọng sẽ hạn chế được phần nào rủi ro lạm phát và ảnh hưởng chính sách tiền tệ của Fed cũng như Việt Nam sắp tới.

Tựu trung lại, nhà đầu tư này cho rằng, có thể giải ngân mua thăm dò vì P/E vào vùng hấp dẫn; xu hướng phục hồi thể hiện rõ qua diễn biến của dòng vốn FDI, xuất khẩu, sản xuất… VN-Index lần đầu tạo tín hiệu phân kỳ dương ở biểu đồ giá từ vùng đỉnh tháng 9 đến nay đi kèm với có tiền đi vào VN30.

Nhóm nhà đầu tư chung team với nhà đầu tư Dung đang ưa thích cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, chứng khoán, công nghệ thông tin, nhóm dầu khí thượng nguồn và bán lẻ (tỷ trọng thấp hơn).

Chọn “hàng”, từ góc nhìn chuyên gia

Ghi nhận ý kiến từ một số chuyên gia chứng khoán, mức điều chỉnh ngắn hạn vừa qua trên thị trường dù mạnh hơn dự báo nhưng vẫn là nhịp chỉnh cần thiết cho thị trường sau nhịp tăng kéo dài từ quý II/2023. Các rủi ro tiềm ẩn vẫn là áp lực lạm phát, đà hồi phục chậm của nền kinh tế, nhưng góc nhìn tích cực hơn là mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục tạo lợi thế cho kênh chứng khoán, các động lực tăng trưởng từ đầu tư công và chính sách hỗ trợ tiêu dùng vẫn là yếu tố tạo kỳ vọng.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam đánh giá, thị trường đã trải qua đợt điều chỉnh lớn (từ vùng đỉnh 1.250 điểm của chỉ số VN-Index xuống 1.080 điểm), nên cần thời gian để xác lập vùng cân bằng mới. Trong phiên cuối tuần cũng đã phát tín hiệu là xác lập vùng đáy, sẽ có kiểm định lại quanh vùng 1.080 – 1.100 điểm, nếu không xuống sâu hơn 1.080 điểm thì nhà đầu tư có thể tự tin cho kỳ vọng thị trường sẽ đi lên.

“Theo góc nhìn phân tích kỹ thuật, vùng hiện tại có thể xem là đáy 1, có thể bắt đầu giải ngân thăm dò, khi xác lập được đáy 2 thì tiền sẽ chảy vào mạnh dạn hơn. Nếu đáy 2 cao hơn đáy 1 thì có thể tin thị trường sẽ đi lên nhưng cũng phân hóa theo chủ đề kết quả kinh doanh, trong đó, con số quý III sẽ là cơ sở nền tảng”, ông Ngọc nói.

Cho đến thời điểm hiện tại, ông Ngọc cho biết, đã lộ diện dần các nhóm ngành có tín hiệu hồi phục, như chứng khoán có lợi nhuận cải thiện so với các quý trước, điển hình như SSI thiết lập mức lợi nhuận cao hơn năm 2022, thậm chí gần đỉnh lịch sử của năm 2021. Nhiều công ty chứng khoán khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.

Nhóm ngân hàng có sự phân hóa, STB, MBB, CTG, VCB… dự kiến có kết quả khả quan, trong đó TCB, VPB có kết quả suy giảm so với cùng kỳ. Nhóm công nghệ có kết quả kinh doanh tốt; nhóm liên quan xuất khẩu như thủy sản và dệt may có cải thiện so với nửa đầu năm; phân bón phục hồi theo xu hướng giá urea; nhóm bất động sản khu công nghiệp quý III cũng khá sáng… Tổng quan bức tranh quý III, như dự đoán trước đó, là bớt xấu so với nửa đầu năm.

Ông Ngọc nhìn nhận, nhóm liên quan đầu tư công như xây dựng, vật liệu xây dựng phân hóa, có kết quả chưa như kỳ vọng, trong khi đầu tư công là điểm nhấn năm nay, có nhiều cổ phiếu chạy mạnh đầu năm, nhưng hiện đang điều chỉnh sâu (có thể do kết quả kinh doanh chưa theo kỳ vọng).

Nếu có các thông tin về tiến độ thực hiện các công trình tích cực hơn trong quý IV thì đây cũng là nhóm đáng quan tâm. Các doanh nghiệp có tín hiệu kinh doanh quý III cải thiện sẽ là nhóm được kỳ vọng tốt hơn trong quý IV. Nếu doanh nghiệp nào có lợi nhuận cải thiện liên tiếp từ quý II thì càng tốt và xác suất quý IV cải thiện càng rõ nét hơn.

Góc nhìn của ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam về triển vọng thị trường chứng khoán vẫn có phần thận trọng, bởi hai yếu tố. Thứ nhất, liên quan đến việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc lần cuối có tăng lãi suất không (trong tháng 11), nếu tăng lãi suất thì có thể thị trường có chút biến động trước thời điểm công bố chính thức. Dù các kịch bản đã được giới chuyên gia đưa ra, song ngắn hạn, đâu đó thị trường vẫn sẽ còn những thách thức nhất định.

Yếu tố ông Phương quan tâm hơn là diễn biến cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông có nguy cơ lan rộng, trong đó Iran có thể tham chiến. Nếu điều này diễn ra sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có vấn đề nguồn cung dầu mỏ với nhiều quốc gia trên thế giới.

“Sẽ phải nghe ngóng, quan sát kỹ hai yếu tố này”, ông Phương nhấn mạnh.

Với các vấn đề trong nước, ông Phương lạc quan hơn, cho đến thời điểm này, lạm phát vẫn đang kiểm soát tốt, tỷ giá cho dù đợt qua có trồi sụt nhưng có tính thời điểm và tin tưởng Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ, dư địa để kiểm soát tỷ giá. Tăng trưởng GDP thường quý sau cao hơn quý trước, nên ông Phương “mạnh dạn tin tưởng quý IV sẽ tốt hơn quý III”.

Một yếu tố khác, theo ông Phương, hỗ trợ cho kỳ vọng thị trường hồi phục là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng công ty Lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán (VSD) đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch nâng hạng thị trường thị trường chứng khoán, kỳ vọng năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chính thức nâng hạng lên nhóm mới nổi.

Ông Phương chia sẻ thêm, ngày 25/12/2023, dự kiến hệ thống KRX chính thức vận hành, giúp giao dịch ngày càng mở rộng, đồng thời đáp ứng được hầu như các kỹ thuật cho sản phẩm mới. Ngoài ra, hệ thống mới giúp có thể bán khống – shortsell… có nhiều sản phẩm cho nhà đầu tư lựa chọn. Theo đó, khả năng thị trường chứng khoán hồi phục và tăng trong quý IV là xác suất cao, nhưng sẽ có sự đan xen giữa tăng điểm và điều chỉnh.

Ông Phương khuyến nghị, thị trường giảm điểm sâu thì nhà đầu tư nên mạnh dạn mua dần cổ phiếu tốt để đón kết quả kinh doanh cuối năm, đặc biệt là đón cơ hội từ tin tức tích cực trong nền kinh tế, “nhưng dứt khoát mua chọn lọc, không mua đuổi”.

Nhóm ưu tiên thứ nhất là bất động sản khu công nghiệp, chứng khoán, dầu khí (bởi độ nhạy với giá dầu hiện đang bị ảnh hưởng tin tức địa chính trị trên thế giới); cổ phiếu liên quan đầu tư công (xây dựng, vật liệu xây dựng) khi các dự án chờ phía trước và cổ phiếu năng lượng tái tạo.

Nhóm ưu tiên thứ 2 là bất động sản dân dụng, do đã có nhiều giải pháp thúc đẩy, tháo gỡ, tới nay, cũng đã nỗ lực chống chọi và kỳ vọng sự hồi phục dần; ngân hàng và dệt may.

mạng Đầu Tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *